Vấn đề triệt sản cho chó mèo luôn đem lại rất nhiều câu hỏi cho chủ nuôi. Triệt sản cho chó mèo có cần thiết hay không? Chó mèo bao nhiêu tuổi thì có thể triệt sản? Cần lưu ý gì trước và sau khi làm tiểu phẫu này? Hãy cùng Pet's Home tìm hiểu nhé!
Triệt sản là gì?
Đây là một dạng phẫu thuật loại bỏ cơ quan sinh dục: buồng trứng (ở chó mèo cái) và tinh hoàn (ở chó mèo đực), nhằm mục đích kiểm soát số lượng thú cưng một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Vậy có nên triệt sản hay không?
Theo ý kiến từ các chuyên gia thú y, chủ nuôi cần định hướng trước cho thú cưng và nếu không hưỡng đến mục đích sinh sản, lấy giống hay có kế hoạch đẻ hạn chế, tốt nhất nên phẫu thuật triệt sản cho thú cưng bởi:
- Hạn chế tình trạng mèo bỏ nhà đi và có thể kèm theo kêu la kéo dài khi đến kỳ động dục gây mất trật tự, phiền toái cho xóm giềng. Nhất là vào ban đêm, khi đó là đỉnh điểm cho bản năng thú cưng trỗi dậy.
Thú cưng bỏ nhà đi tìm bạn tình có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như bị bắt trộm, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dại - rất nguy hiểm cho người nếu chưa được tiêm vacxin phòng bệnh dại và rất nhiều bệnh lây truyền khác.
- Kiểm soát "dân số" cho thú cưng: nuôi thú cưng đòi hỏi trách nhiệm, sự kiên nhẫn và cả kiến thức về chúng. Triệt sản thú cưng nếu bạn có giới hạn về thời gian hay tài chính, tránh được trường hợp sinh sản ngoài ý muốn. Từ đó, cũng góp phần giảm số lượng chó mèo bị bỏ rơi.
Ngoài kế hoạch triệt sản ngay từ đầu của chó mèo, nhiều chủ nuôi lựa chọn cho người bạn nhỏ của mình được làm bố làm mẹ của 1-2 lứa con đầu tiên rồi mới triệt sản. Các lứa con của thú cưng cần nằm trogn kế hoạch chăm sóc hoặc trao đổi của chủ nuôi.
- Hạn chế hành vi xấu: Ở chó, mèo đực không được triệt sản thường có hành vi tiểu bậy khắp nơi nhằm mục đích “đánh dấu lãnh thổ”. Điều này thật không thoải mái cho chủ nuôi một chút nào. Triệt sản có thể giảm được tình trạng này hoặc chấm dứt nó hoàn toàn.
Chó mèo thời kỳ động dục cũng có thể trở nên khó tính, hung hăng hơn bình thường. Có thể phút trước vừa nũng nịu chơi với bạn, giây sau liền có thể cắn cào, gây tổn thương cho bạn (dù chúng không cố ý như thế!).
- Triệt sản cho chó mèo có thể làm tăng tuổi thọ và tránh được nguy cơ của các bệnh ung thư tinh hoàn, ung thư tuyến tiền liệt ở những con đực và các bệnh ung thư, viêm tử cung, viêm đường sinh sản ở giống cái.
Chó mèo bao nhiêu tuổi thì có thể triệt sản?
Thú cưng đang động dục có đường sinh dục sung huyết, nếu phẫu thuật dễ mất máu. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y.
Hãy kiểm tra trước để chắc chắn thú cưng không mang thai khi đưa đi triệt sản.
• Đối với chó, độ tuổi căn bản phù hợp cho việc triệt sản là từ 6-9 tháng tuổi. Với chó có độ tuổi nhiều hơn 6-9 tháng, việc triệt sản sẽ khó khăn hơn một chút vì chúng có thể bị thừa cân.
• Đối với mèo, triệt sản tốt nhất trước kỳ động dục đầu tiên, khi mèo được khoảng 6 tháng tuổi và đã nặng được từ 2kg.
Triệt sản mèo mẹ khi bầu sữa hết căng và mèo con được 2 tháng tuổi, có thể tự ăn và chơi đùa. Vì nếu lâu hơn, mèo mẹ nhanh chóng mang thai lại mặc dù con vẫn theo bú mẹ.
Lưu ý trước khi phẫu thuật triệt sản
- Để thú cưng nhịn ăn từ 8-9 tiếng và nhịn uống từ 4-6 tiếng trước giờ phẫu thuật để giảm thiểu sự ói mửa và tránh nguy cơ thức ăn và nước bị trào ngược vào khí quản gây nghẹt thở trong quá trình gây mê.
- Hãy đảm bảo rằng bé hoàn toàn khỏe mạnh, liên hệ với bác sỹ thú y nếu chó mèo có tiền sử bệnh.
- Trong vòng 2 tuần trước khi triệt sản, thú cưng không phải điều trị bệnh và không đang uống bất cứ loại thuốc nào, không xổ giun và không tắm.
- Chó mèo nên được tiêm phòng đầy đủ trước khi phẫu thuật 1 tháng. Nếu chó mèo chưa kịp tiêm vaccine, hãy đảm bảo chúng không tiếp xúc với chó mèo lạ có thể mang mầm bệnh, và chích đầy đủ cho thú cưng ngay sau triệt sản 1 tháng.
- Chọn phòng khám thú y mà bạn có thể tin tưởng. Dù là phẫu thuật đơn giản thì cũng có thể xảy ra sơ suất bất kỳ lúc nào chính vì thế hãy chắc chắn về độ uy tín của cơ sở thú y tránh hậu họa về sau. Bạn có thể liên hệ một số tổ chức cho nhận chó mèo để được tư vấn và hỗ trợ triệt sản tại nhà.
Lưu ý hậu triệt sản
- Báo cho bác sĩ thú y ngay khi bé bỏ ăn, ói mửa, tiêu chảy SAU 24 giờ từ khi phẫu thuật kết thúc. Việc thú cưng ói mửa ngay khi tỉnh lại từ thuốc mê rất bình thường.
- Thường sau 1~2 tiếng phẫu thuật sẽ tỉnh dần, có thể đi vệ sinh và có hành động mất kiểm soát. Đi đứng không vững, dễ bị té. Bé cần mất một thời gian mới tỉnh hẳn, có thể qua đến hôm sau. Dù bé đã có vẻ tỉnh táo hẳn nhưng vẫn có thể cảm nhận cơn đau.
- Tách riêng thú cưng ở một mình để có không gian yên tĩnh nghỉ ngơi. Tốt nhất cho bé ở trong chuồng riêng và có ổ nằm thoải mái, tránh cho bé tự leo trèo.
- Giữ ấm cho bé bằng ổ lót dày, tiệt trùng sạch sẽ. Có thể mặc thêm áo cho bé nhưng đừng tác động nhiều đến vết mổ.
- Ngày đầu cho ăn ít thức ăn mềm dễ tiêu hóa như pate Recovery Royal Canin hoặc thức ăn hạt chuyên cho thú cưng sau triệt sản như Hạt Royal Canin Sterilized cho mèo triệt sản. Nếu ói thì ngưng và cho ăn vào sáng hôm sau.
- Không nên ẵm bồng, chơi đùa với bé, hạn chế để bé chạy nhảy leo trèo cao làm động vết mổ.
- Với các bé thú cưng có xu hướng liếm vết mổ, cần cho bé đeo vòng chống liếm. Vết mổ bị liếm nhiều sẽ khó lành hơn.
- Đối với các bé được đến phòng khám để triệt sản, bác sĩ thường sẽ cho bé nằm nghỉ tại phòng khám từ 1-2 giờ để theo dõi, sau đó thì có thể về nhà.
- Thời gian sau tiểu phẫu, bạn cần cho bé nằm ở nơi thoải mái, yên tĩnh. Lưu ý đặt khay đồ ăn và nước uống gần chỗ bé nằm để bé có thể dễ dàng ăn uống.
- Không tắm rửa cho chó mèo sau khi triệt sản vì vết thương cần có thời gian hồi phục, không được để ẩm ướt hay bị tác động mạnh, tiếp xúc hóa chất. Cẩn thận giữ bé ở môi trường khô ráo và vệ sinh để đảm bảo vết thương không bị nhiễm trùng.
- Hãy liên hệ ngay với bác sĩ thú y nếu có thắc mắc hoặc xuất hiện nhiều bất thường quan sát được.
TRIỆT SẢN CHO THÚ CƯNG, VÌ MỘT TƯƠNG LAI KHÔNG CÒN CHÓ MÈO BỊ BỎ RƠI!
Pet's Home luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của các bạn. Inbox ngay!